Quản lý hành chính nhà nước được hiểu là quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp và được thực hiện bởi ít nhất một bên có thẩm quyền hành chính nhà nước trong quan hệ điều hành, chấp hành. Vậy tại sao nói quản lý hành nhà nước là thực thi quyền hành pháp? Hãy cùng chúng tôi phân tích và tìm hiểu về vấn đề này ngay trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu quản lý hành chính nhà nước là gì?
Trước khi đến với thắc mắc tại sao nói quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền hành pháp,chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết quản lý hành chính nhà nước là gì? Khái niệm quản lý hành chính nhà nước được hiểu một cách đơn giả là việc tác động định hướng lên một hệ thống nào đó, nhằm bảo đảm hệ thống đó phải phát triển một cách trật tự và phù hợp với những quy luật được hướng tới

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hiểu, quản lý nhà nước chính là một hình thức của quản lý xã hội. Tuy nhiên, nó có chứa đựng tính quyền lực của nhà nước và sử dụng chính quyền lực đó để điều chỉnh quan hệ. Qua đó, đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.
Bên cạnh đó, quản lý hành chính nhà nước còn là hoạt động hành chính của cơ quan thực thi quyền lực nhà nước để quản lý và điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của pháp luật, là chính phủ và UBND các cấp.
Tuy hệ thống các cơ quan, thực hiện quyền tư pháp cũng như lập pháp không thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Nhưng trong cơ chế vận hành cũng vẫn có công tác hành chính như chế độ công vụ, công tác tổ chức cán bộ,..bên cạnh đó thì phần công tác này cũng cần tuân thủ những quy định thống nhất của nền hành chính nhà nước. Quyền hành pháp sẽ bao gồm cụ thể 2 nội dung như sau:
- Lập quy được thực hiện bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó hướng dẫn thực hiện pháp luật.
- Quản lý hành chính nhà nước là tổ chức, điều hành và phân phối các hoạt động kinh tế, xã hội để đưa pháp luật vào đời sống.
Như vậy, có thể hiểu bản chất chính của quản lý hành chính nhà nước là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước Việt Nam, là tác động có tổ chức và được điều chỉnh bằng quyền lực pháp luật nhà nước đối với quan hệ xã hội và trật tự pháp luật.

Với mục đích thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, do các cơ quan trong hệ thống quản lý hành chính từ chính phủ ở Trung Ương cho đến UBND các cấp địa phương tiến hành.
Tại sao nói quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền hành pháp?
Thông qua khái niệm quản lý hành chính nhà nước chúng ta cũng có thể khẳng định rằng quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền hành pháp, nhằm tác động có và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các hành vi của công dân và quá trình xã hội do các cơ quan trong hệ thống hành chính từ Trung Ương đến cơ sở để thực hiện nhiệm vụ và chức năng của nhà nước.
Hành chính nhà nước góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoá các ý tưởng, mục tiêu, chủ trương, đường lối chính trị trong xã hội. Điều này được thể hiện thông qua các chức năng chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể như sau:

- Cơ quan hành chính là cơ quan trong bộ máy nhà nước được thành lập theo hiến pháp, pháp luật, để thực hiện quyền lực nhà nước, có chức năng quản lý hành chính nhà nước trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Cơ quan hành chính có chức năng quản lý hành chính nhà nước, thực hiện hoạt động điều hành và chấp hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi đó, các cơ quan nhà nước khác chỉ tham gia vào hoạt động quản lý trong lĩnh vực, phạm vi nhất định.
Tìm hiểu đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước
Đọc đến đây chắc hẳn các bạn cũng đã nắm rõ lý do tại sao nói quyền quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền hành pháp. Tiếp theo đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước:
Là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước
Đặc điểm cơ bản nhất của quản lý hành chính nhà nước chính là tính quyền lực, bởi thông qua đó có thể thể phân biệt được hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động quản lý mang tính xã hội khác. Điều này được thể hiện ở việc các chủ thể có thẩm quyền thể hiện ý chí nhà nước thông qua phương tiện nhất định. Trong đó, phương tiện cơ bản và đặc biệt quan trọng được sử dụng chính là văn bản quản lý hành chính nhà nước.

Là hoạt động được tiến hành bởi những chủ thể có quyền năng hành pháp
Theo quy định của pháp luật, chủ thể quản lý hành chính nhà nước sẽ bao gồm: các cơ quan hành chính nhà nước cùng công chức của các cơ quan này, công chức nhà nước, thủ trưởng của cơ quan nhà nước, các nhân hoặc tổ chức xã hội được nhà nước uỷ quyền quản lý hành chính đối với một số việc nhất định.
Như vậy, đối tượng của quản lý hành chính nhà nước sẽ là các mối quan hệ xã hội được phát sinh trên mọi lĩnh vực, thuộc đời sống pháp luật, dân cư và nội bộ của các cơ quan nhà nước. Qua đó, xác định khách thể hoạt động quản lý hành chính nhà nước hướng đến là trật tự quản lý trên lĩnh vực hành pháp.
Là hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước
Sự kết hợp hoàn hảo giữa tính chấp hành và điều hành đã góp phần tạo thành một tổng thể thống nhất trong nội dung của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Và đây cũng chính là đặc điểm cơ bản để phân biệt quản lý hành chính nhà nước với hoạt động tư pháp và luật pháp.
Là hoạt động mang tính chủ động và sáng tạo
Tính chủ động và sáng tạo được thể hiện rõ nét trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Đặc điểm này tồn tại bởi chính bản thân sự đa dạng, phong phú và phức tạp của đối tượng quản lý hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó nó cũng đòi hỏi chủ thể quản lý cần áp dụng biện pháp giải quyết mọi tình huống phát sinh một cách hiệu quả. Đồng thời tính chủ động và sáng tạo cũng không được vượt ra ngoài phạm vi mà pháp luật quy định.

Là hoạt động có tính liên tục
Có thể nói rằng, cơ quan quản lý hành chính nhà nước được liên kết thống nhất và chặt chẽ từ trung ương cho tới địa phương. Được hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Khác với hoạt động tư pháp và lập pháp, quản lý hành chính nhà nước luôn đòi hỏi tính liên tục, linh hoạt và kịp thời để đáp ứng tốt sự vận động không ngừng của đời sống xã hội.
Chính đặc điểm này đã được coi là một cơ sở quan trọng trong việc xác lập quy định về tổ chức hoạt động, công vụ của bộ máy hành chính nhà nước cũng như quy chế công ước để tạo ra bộ máy hành chính gọn nhẹ, có sự linh hoạt trong tổ chức, có đội ngũ công chức sáng tạo, năng động, quyết đoán và chịu sự ràng buộc trách nhiệm đối với hoạt động của mình.
Lời kết
Chắc hẳn, thông qua đây các bạn cũng đã có được giải đáp cho thắc mắc Tại sao nói quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền hành pháp? Hy vọng, những thông tin mà chamhoc.vn chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về bộ máy quản lý nhà nước Việt Nam.